CÙNG BẠN KIẾN TẠO KHÔNG GIAN

Chào mừng bạn đã đến với website CND. CND luôn theo đuổi phong cách kiến trúc xanh, Không gian thoáng. Nếu bạn cũng yêu thích phong cách này, thì hãy cùng bắt tay với CND nào!

Category Archives: Chuyện nghề

Chuyện nghề

Kiến trúc sư trẻ cần làm gì để hành nghề kiến trúc & phát triển bền vững tại địa phương?

Posted on October 12, 2022 - By admin  - 0 Comments
Nhiều câu hỏi bạn sẽ vấp phải khi thực sự bước vào đời sống của một người trưởng thành độc lập với vai trò là KTS – một danh từ chứa đựng nhiều kỳ vọng của xã hội và gia đình.
Bằng kinh nghiệm của người làm nghề, quan sát đồng nghiệp kết hợp những kinh nghiệm trên đường đời, tôi (*) muốn chia sẻ các bạn 6 điều bạn cần làm để hành nghề kiến trúc và sống cùng nghề một cách bền vững:

(*) Chia sẻ từ KTS Nguyễn Sỹ Công hiện đang là CEO, người sáng lập nên công ty Kiến trúc CND, thành viên trong ban chấp hành hội kiến trúc sư trẻ Nghệ An

Mr. Nguyễn Sỹ Công

1. Dành thời gian suy nghĩ về bản thân

Trước khi bạn làm gì hãy dành thời gian cho việc suy ngẫm về bản thân , đánh giá lại quá trình bạn đã theo học ngành để trả lời câu hỏi sau:

+ Bạn thực sự yêu nghề Kiến trúc sư không ?
+ Bạn sẽ muốn làm KTS thuộc lĩnh vực nào: quản lý dự án, thiết kế nhà ở, thiết kế công trình lớn, quy hoạch-cảnh quan….
+ Bạn có dự định đi học nâng cao trình độ không ? Nếu có thì khi nào ? Làm thế nào đạt được ?
+ Bạn muốn có một sự nghiệp như thế nào với nghề Kiến trúc ?

Còn rất nhiều câu hỏi nhưng những câu hỏi này là câu hỏi sẽ gắn liền với bạn trong vòng 10 – 15 năm, hãy tưởng tượng lúc này bạn mới ra trường là đang ở ngưỡng tuổi 23 , trong vòng 10-15 năm bạn sẽ đang ở ngưỡng tuổi 33-38 tuổi , đây là ngưỡng tuổi gần như chín chắn của đời người và lúc này bạn sẽ có thể đảm nhiệm vai trò là chủ trì đồ án, chủ nhiệm đồ án, trưởng phòng, giám đốc…Như vậy cần phải chuẩn bị rất nhiều khi bước vào giai đoạn này nhằm đạt được sự thăng hoa tối đa tại điểm rơi quan trọng của đời người.

2. Tìm đúng “thầy” để có hướng đi tốt hơn

 Chọn nơi làm với chọn Thầy bản chất là rất gần nhau khi hầu hết các mối quan hệ nghề nghiệp đầu tiên của bạn đều xuất phát từ môi trường làm việc. Xác định được lĩnh vực bạn định theo đuổi, lên mạng tìm kiếm các công ty nơi bạn xác định nghiên cứu hành nghề kiến trúc để có một sự lựa chọn phù hợp nhất.

Để ý rằng tại công ty lớn bạn sẽ làm những việc lặt vặt cơ bản còn ở các công ty nhỏ và vừa thì bạn có cơ hội làm rất nhiều các công việc khác nhau, điều này giúp bạn có khả năng thích ứng và đặc biệt tốt cho những ai có ý định mở văn phòng cho riêng mình.

 

3. Hãy xây những viên gạch đầu tiên bằng sự tâm huyết + sự trải nghiệm thực tế

Những sản phẩm đầu tiên luôn định hình rõ phong cách và tính cách, hay thậm chí là cả năng lực hiện tại bạn đang có, vậy nên hãy làm bằng cả trái tim, tập trung đầu tư thời gian nghiên cứu trước khi bắt đầu vẽ một thao tác trên máy. Bởi đó mới chính là sự khác biệt trong từng sản phẩm, yếu tố về cá nhân, cộng với kiến thức về xã hội, văn hóa vùng miền nơi bạn trải nghiệm sẽ tạo ra “siêu phẩm” vừa gần gũi mà lại có nét độc đáo riêng cho bạn.

 

4. Chủ động thích ứng với môi trường văn hóa vùng miền khi xác định hành nghề ở một phạm vi địa lý khu vực nào đó

Người ta nói rằng, Sứ mệnh của “Kiến trúc” là để nuôi dưỡng con người, sứ mệnh của một “Ngôi nhà” là để nuôi dưỡng Gia đình, còn Sứ mệnh của một “Không gian cộng đồng” là để nuôi dưỡng cộng đồng và xã hội. Chính vì vậy khi bạn ở một nơi nào đó, đồng nghĩa với việc bạn phải làm quen với văn hóa, phong tục tập quán của nơi đó, hòa nhập nhưng không hòa tan. Bạn hãy là bạn nhưng hãy tích hợp những nét chọn lọc để tạo ra một chất riêng khác biệt về sản phẩm sau đó.

Một công trình cộng đồng dân tộc thái ở Huyện Con Cuông do CND Thiết kế

5. Hãy cứ làm đi, chỉ có sự trải nghiệm mới là hành trang tốt nhất cho bạn

Câu chuyện từ thực tế nghiên cứu, rồi sáng tác ra bản vẽ, rồi từ bản vẽ thành một công trình thực tế thì hẳn là một quá trình. Nhưng quay lại thời điểm ngay bây giờ với bạn thì chúng ta hãy cứ hành động ngay từ bây giờ, những cái nhỏ nhất, luôn mở cửa trí thức bằng một tinh thần học hỏi chọn lọc, cầu tiến… thì chắc hẳn các Kiến trúc sư trẻ sẽ luôn là những luồng gió mới để đưa nghành nghề kiến trúc luôn có những sản phẩm và câu chuyện thú vị.

Một buổi trình thuyết trình của anh Nguyễn Sỹ Công tại Đại Học Vinh vào năm 2019 – Nhân dịp 60 Năm thành lập trường.

Hãy tìm thêm những cộng sự đồng môn để cùng nhau làm nên những câu chuyện mang lại giá trị bền vững cho cộng đồng và xã hội nhé.

6. Đoàn kết, kiên trì và cùng hướng theo một mục tiêu chung!

“Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau” là một câu châm ngôn đúng trên mọi lĩnh vực của cuộc sống. Nếu bạn có một đội nhóm mạnh, luôn đoàn kết và kiên trì với mục tiêu chung thì cái đích nào cũng sẽ đến.

Đội ngũ CND luôn đoàn kết, làm hết sức, chơi hết mình

 

Chuyện nghề

Kiến trúc sư trẻ đừng nên quá vội vàng!

Posted on December 21, 2021 - By admin  - 0 Comments

Có lẽ khi mới cầm tấm bằng KTS trên tay, đa số các KTS trẻ háo hức và tự tin lao vào cuộc sống với niềm mong mỏi sớm có được những tác phẩm đầu tay – những đứa con tinh thần mà mình đã ấp ủ từ lâu trong suốt những năm tháng còn là sinh viên. Tuy nhiên, những gì xảy đến lại không như họ nghĩ…

Ra trường, xin được vào làm trong một công ty thiết kế dù của nhà nước hay tư nhân, quy mô lớn hay nhỏ… chỉ dành cho một số bạn thực sự có chút năng lực sáng tác và kỹ năng khá giỏi về CAD, PTS, 3DMAX…. Xin được vào cơ quan làm chuyên môn thiết kế đã khó, nhưng rồi công việc được giao thì … : nào là “bổ” chi tiết: khu Wc, thang, cửa..; nào render phối cảnh ngoại thất, nội thất … cứ túi bụi, bận bịu như thế suốt 2-3 năm liền, liên miên đến phát ớn, mà mãi chẳng thấy được sếp giao những công việc như mình vẫn mong mỏi : tìm ý, sáng tác, chủ nhiệm đồ án … lại thấy các lứa đàn anh/chị có vẻ khá thảnh thơi, thi thoảng đến chỉ bảo chỗ này chỗ kia, sau đó thì đi đâu mất hút. Còn về thu nhập, thì khỏi phải nói … không thể chấp nhận được, cứ “năm cọc ba đồng” suốt mãi.

Vì vậy, sự lo lắng cho tương lai cứ lớn dần lớn dần, mỗi ngày qua lại một ngày “tâm lý” hơn. Cho đến một ngày đẹp trời, khi mà không còn đủ kiên nhẫn được nữa, ta quyết ra đi để tìm tương lai cho mình. Người nhiều tự tin ra ngoài mở văn phòng thiết kế riêng, chí ít thì cũng là chung với vài đứa bạn “thân” cùng mở công ty để “rộng cánh chim bay”. Người ít tự tin hơn thì xin sang văn phòng khác, mà nghe đâu là lãnh đạo ở đó biết “chiêu hiền đãi sĩ”, hy vọng được đãi ngộ tốt hơn… Đơn giản nhất thì cũng là vì chỗ mới hứa trả lương cao hơn chỗ mình đang làm… Cứ thế, các bạn bắt đầu một bước ngoặt mới của cuộc đời, mà thường được gọi là thời kỳ “nhảy việc” …

Nhưng đó không phải là điều mà tôi muốn đề cập chính ở bài viết này !
Với mong muốn góp cho các bạn KTS trẻ có thêm hành trang tốt hơn trong cuộc đời hành nghề, và trước khi ra những quyết định có tính bước ngoặt, tôi xin đưa ra 1 tài liệu để các bạn trẻ cùng tham khảo, đó là:

1. Trong một công ty/hãng thiết kế kiến trúc có bao nhiêu cấp bậc chuyên môn và quản lý
2. Định nghĩa các mức độ chuyên môn Kiến trúc

Đây là số liệu của AIA (Hiệp hội KTS Hoa kỳ ) công bố sau khi tiến hành Khảo sát thu nhập từ năm 2011. AIA đã gửi phiếu khảo sát đến 10.059 hãng thiết kế, nhận được phản hồi từ 1,023 hãng vào ngày cuối cũng 25 tháng 2, 2013.
Theo số liệu được công bố, thì trong 1 công ty tư vấn kiến trúc có đến 18 cấp bậc nhân sự, trong đó cấp bậc chuyên môn trực tiếp tham gia thiết kế là 9 bậc, cấp tham gia quản lý dự án thiết kế là 5 bậc, cấp quản lý công ty là 4 bậc.

Cấp bậc tham gia thiết kế được phân cấp như sau:

  • #1. Achitect 3 – KTS hạng 3: trên 10 năm công tác, có chứng chỉ hành nghề, thực hiện các dự án vừa và lớn
  • #2. Nhân viên thiết kế hạng 3: chưa có chứng chỉ hành nghề
  • #3. Achitect 2 – KTS hạng 2: trên 8 năm công tác, có chứng chỉ hành nghề, có trách nhiệm hoàn thành các bản vẽ, phụ trách nhóm thiết kế
  • #4. Nhân viên thiết kế hạng 2: chưa có chứng chỉ hành nghề
  • #5. Achitect 1 – KTS hạng 1: trên 5 năm công tác, có chứng chỉ hành nghề, chủ động thực hiện các dự án/ công việc độc lập , những tuân theo những chỉ dẫn khi thực hiện các dự án/ công việc phức tạp.
  • #6. Nhân viên thiết kế hạng 1: chưa có chứng chỉ hành nghề
  • #7. Intern 3- Nhân viên thực tập hạng 3: làm việc fulltime theo hướng dẫn để lấy chứng chỉ, 3 đến 6 năm kinh nghiệm, chịu trách nhiệm về thiết kế kỹ thuật của đồ án.
  • #8. Intern 2- Nhân viên thực tập hạng 2: làm việc fulltime theo hướng dẫn để lấy chứng chỉ, 2 đến 3 năm kinh nghiệm, triển khai thiết kế của người khác chịu sự giám sát
  • #9. Intern 1- Nhân viên thực tập hạng 1: làm việc fulltime, bước khởi đầu của việc lấy chứng chỉ.

Bạn đang ở cấp bậc nào trên con đường sự nghiêp làm Kiến trúc sư? Hãy comment dưới bài viết nhé!