7 bước tạo nên khu vườn sân thượng lợi ích đủ đường
Những mảng xanh mát đang ngày một hiếm dần trong các đô thị đang trên đà phát triển. Ý tưởng về một khu vườn nhỏ trên mái hoặc sân thượng có thể là giải pháp giúp đem màu xanh tới các ngôi nhà. Vậy, làm thế nào để bạn có một khu vườn nhỏ xinh ngay trên chính mái nhà của mình?
1. Lợi ích của vườn trên mái nhà
Có khá nhiều lợi ích khi bạn sở hữu một khu vườn nhỏ trên mái nhà và các kiến trúc sư đã chỉ ra những lợi ích chính sau đây:
1.1. Tiết kiệm chi phí
Một khu vườn nhỏ trên mái là biện pháp chống nóng đô thị khá hiệu quả. Cây xanh giúp giảm quá trình hấp thụ nhiệt giúp ngôi nhà luôn được mát mẻ nhờ đó giảm chi phí tiêu thụ điện.
1.2. Lọc không khí
Cây xanh góp phần làm sạch bầu không khí ô nhiễm của thành phố, giảm lượng không khí độc hại trong sinh hoạt hàng ngày của các gia đình.
1.3. Giảm lưu lượng nước mưa
Thảm cây xanh được xây dựng trên mái có khả năng thấm nước mưa tới 80% nhờ đó giảm áp lực cho hệ thống thoát nước mưa, tăng độ bền của hệ thống này.
1.4. Giảm tiếng ồn
Theo các nghiên cứu, một vườn cây nhỏ trên mái đóng vai trò như bức tường xanh cản tiếng ồn lên tới 8 decibel từ bên ngoài.
2. Phương pháp thi công vườn trên mái nhà
Có 2 phương pháp thi công vườn trên mái nhà đang được áp dụng nhiều nhất hiện nay. Tuỳ vào điều kiện và chi phí, bạn có thể lựa chọn phương án thi công phù hợp nhất với căn nhà của mình.
2.1. Phương án thi công thông thường
Với phương án này, bạn cần chuẩn bị các lớp nền và đất thật tốt để cây cối có thể sinh trưởng bình thường như ở dưới mặt đất. Về đất, cần có đầy đủ 6 lớp như sau:
- Lớp thứ nhất: lớp sàn bê tông sân thượng của mái nhà.
- Lớp 2: lớp sơn chống thấm để nước không ngấm xuống tầng dưới gây ngấm nước vào tường. Với lớp này, bạn có thể tự mua sơn về sơn với chi phí khoảng từ 230,000 đến 280,000đ/m2.
- Lớp 3: lớp Drain Cell giúp thoát nước, không gây ngập úng cho các cây trồng. Chi phí dành cho lớp này từ 350,000 đến 380,000đ/m2.
- Lớp 4: lớp vải địa kỹ thuật. Nhiệm vụ của lớp này là ngăn cho tầng đất cát phía trên không rơi xuống lớp thoát nước. Chi phí khoảng từ 15,000 đến 20,000đ/m2.
- Lớp 5: lớp cát sông ngăn nhằm không cho đất sét bịt kín các lỗ thoát nước của vải địa.
- Lớp 6: lớp đất trồng. Độ dày hay mỏng của lớp này tùy theo loại cây trồng bạn muốn trồng. Công thức lớp này thường chia theo tỷ lệ 2:2:1 (2 phần đất, 2 phần cát sông, 1 phần hỗn hợp tro trấu, xơ dừa đã hoại mục).
- Lớp 7: là các loại cây trồng theo sở thích của bạn.
2.2. Phương án thi công áp dụng công nghệ GTC của Singapore
So với phương án thi công thông dụng, phương án này gồm nhiều lớp hơn và việc chuẩn bị cũng tốn chi phí hơn. Tuy nhiên, năng suất cây trồng tốt của bạn sẽ được đảm bảo hơn. Phương án này cần chuẩn bị 9 yếu tố, bao gồm:
- Lớp RC Floor slab là sàn bê tông tầng thượng của gia đình bạn.
- Lớp waterproofing là lớp chống thấm để nước không thấm xuống tầng dưới nhà.
- Lớp protection: đây là lớp vữa bảo vệ 2 lớp dưới tránh khỏi sự phá huỷ của nước và các vi sinh vật trong đất.
- Lớp versicell: bao gồm vỉ thoát nước & chống ngập úng mái sân vườn. Vỉ thoát nước thường được làm bằng nhựa cứng, có thể chịu tải trọng cao, có ngàm âm dương theo cả hai chiều ngang và đứng nên dễ dàng lắp trên bề mặt sàn và tường. Versicell được ứng dụng cho mái sân vườn có khu vui chơi, bồn hoa, sân thượng trồng cây, khu thể dục thể thao, tầng hầm, tường chắn đất và cả đường xá, vỉa hè, lối đi… Chi phí cho lớp này rơi vào khoảng 2,5kg/m2.
- Lớp geotextile là lớp vải địa kỹ thuật – một loại chất liệu được chế tạo từ những sản phẩm phụ của dầu mỏ, có sức chịu kéo, độ dãn, độ bền cao, có tính thấm, khi sử dụng lót trong đất nó có khả năng phân cách, lọc, bảo vệ, gia cường và thoát nước, ngăn cho tầng đất, cát phía trên không rơi xuống các lỗ thoát nước của Versicell gây nghẽn hệ thống thoát nước.
- Lớp sand là lớp cát sông lọc lại phần đất sét, ngăn không cho đất sét bịt kín các lỗ thoát nước của vải địa nhờ đó, nước thoát tốt hơn, tránh gây ngập úng.
- Lớp soil là lớp đất trồng. Lớp này phụ thuộc vào nhu cầu trồng loại cây gì để xác định độ dày mỏng khác nhau.
- Lớp big trees là lớp cây trồng. Tuỳ vào điều kiện khí hậu, ánh sáng và thiết kế sân vườn, bạn có thể lựa chọn các loại cây trồng phù hợp cho lớp này.
- Lớp drain pipe là hệ thống ống thoát nước, đảm bảo cây trồng không bị ngập úng nếu trời mưa lớn nhiều ngày.
3. Những lưu ý khi thi công vườn trên mái nhà
Xây dựng một khu vườn trên sân thượng có rất nhiều điểm khác so với mặt đất, do đó, bạn cần đảm bảo các yếu tố sau để tránh xảy ra những vấn đề không đáng có liên quan đến kết cấu ngôi nhà của mình.
- Kiểm tra các quy định kỹ thuật xây dựng, đặc biệt là khả năng chịu tải. Đất và chậu trồng cây nặng và sẽ nặng hơn khi được tưới nước hay khi cây phát triển. Bạn cũng cần kiểm tra thêm giới hạn chiều cao, quy định phòng cháy chữa cháy, khả năng chống thấm và những quy định khác.
- Hệ thống nước: các cây trồng trên sân thượng thường cần nhiều nước và bạn nên thiết lập một hệ thống tưới tự động ngay trên sân thượng để đỡ tốn công chăm sóc.
- Ánh sáng: sân thượng có thể bị che phủ bởi bóng của các tòa nhà cao tầng khác làm cây không đủ ánh sáng phát triển, hoặc diện tích tiếp xúc ánh sáng lớn có thể khiến cây bị cháy, nóng. Bạn cần tính toán thật kỹ để lựa chọn loại cây và phương án chống nắng thích hợp.
- Nhiệt độ: Ngoài nhiệt độ cây trồng nhận được trực tiếp từ Mặt Trời còn có nhiệt độ môi trường bị phản xạ từ bề mặt mái nhà, các tòa nhà xung quanh… Bạn nên cân nhắc sử dụng các loại mái che hạn chế nắng nếu nhiệt độ quá cao.
- Gió: Bạn nên cân nhắc xây dựng một số loại tường hay hàng rào để hạn chế gió làm táp vườn cây của bạn, đặc biệt với những tòa nhà cao tầng.
Với những thông tin được cung cấp ở trên, hy vọng bạn sẽ có những chuẩn bị tốt nhất cho khu vườn trên mái sắp tới của mình. Chúc bạn thành công!
Một số vấn đề phong thủy cần lưu ý khi sắp xếp phòng ở
Xây nhà là một trong ba chuyện lớn của đời người, nó luôn được coi là chuyện trọng đại trong mỗi gia đình. Đó là lí do mà ai chuẩn bị xây nhà cũng đặt vấn đề phong thủy lên hàng đầu. Đối với những người đang chuẩn bị xây nhà thì bài viết này sẽ cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích về phong thủy đấy.
1. Những lưu ý về phong thủy đối với Phòng khách:
– Là “bộ mặt” căn nhà nên đặt phòng khách ở vị trí phía trước nhà để lưu thông và tích tụ khí.
– Hình vuông hoặc hình chữ nhật là tốt nhất.
– Không nên treo vật trang trí tường như kiếm, huy chương, thú… ảnh hưởng đến luồng khí di chuyển dẫn đến bất hòa trong gia đình.
– Luồng khí lưu thông luôn đi từ cổng vào phòng khách nên tránh đặt hướng có mùi hôi cống rãnh sẽ ảnh hưởng xấu đến vận khí tốt và có hại cho sức khỏe của các thành viên.
– Phòng phải rộng rãi và có nhiều ánh sáng chiếu vào, dùng màu sơn tươi sáng có thể mang nhiều vận may và của cải.
– Sàn nhà được thiết kế bằng phẳng, tránh cao thấp vì sẽ dễ gây sóng gió, thăng trầm trong cuộc sống.
– Trang trí các vật bằng hình tròn sẽ làm bầu không khí dễ chịu và thân thiện hơn.
2. Những lưu ý về phong thủy đối với Phòng làm việc:
– Kim và Mộc xung khắc nên tránh đặt phòng làm việc trong phòng ngủ hoặc phòng ăn.
– Nếu muốn đặt phải làm vách, dùng rèm che hoặc tủ ngăn để tránh làm trường khí Kim và Mộc ảnh hưởng nhau.
– Cửa phòng có thể thông qua phòng khách, phòng ngủ hay vệ sinh nhưng tránh gần bếp vì sẽ bị ảnh hưởng bởi khói mùi.
– Không nên mở nhiều cửa tại phòng làm việc gây nhiễu luồng khí, mất tập trung và khó kê đồ đạc.
– Nên là hình vuông, có thể có góc bo tròn, bầu dục, bát giác hoặc lục giác.
3. Những lưu ý về phong thủy đối với Phòng ngủ:
– Hướng tuân theo nguyên tắc phong thuỷ như: toạ cát, hướng cát.
– Phải dựa vào một bức tường vững chắc để làm điểm tựa.
– Nên dùng hướng đầu là hướng chính để chọn hướng giường ngủ.
– Tránh đặt giường nằm trên bếp hay đặt giường dưới nhà tắm.
– Không được để cửa ra vào đâm thẳng vào giường ngủ.
– Gương không đựợc chiếu thẳng vào giường ngủ và cửa ra vào.
4. Những lưu ý về phong thủy đối với Nhà Bếp:
– Không nên bố trí bếp khiến người ta có thể nhìn thấy ngay từ ngoài hoặc để đường từ cửa đâm thẳng vào bếp vì như vậy dễ bị hao tán tài sản.
– Hỏa lò tối kỵ đặt quay lưng với hướng nhà, phải đặt quay về hướng lành, như thế mới nhanh có phúc.
– Bệ đặt hỏa lò nên tựa vào tường cho vững chắc, tránh để góc nhọn chiếu vào khu vực nấu vì điều đó có thể làm hại tới hòa khí trong nhà.
– Vị trí của bếp phải kê trên nền cao ráo, không khí thoáng và ánh sáng đầy đủ.
– Tránh đặt bếp đối diện với nhà vệ sinh hay cửa phòng ngủ, sức khỏe của các thành viên trong gia đình sẽ bị ảnh hưởng.
5. Những lưu ý về phong thủy đối với Bàn thờ:
– Thờ Phật: nên đặt ở nơi cao nhất trong phòng thờ của gia đình.
– Thần Linh- Gia Tiên: Có thể đặt bàn thờ Thần Linh cùng với Gia Tiên nhưng cao hơn.
– Ông Địa – Thần Tài: không được đặt trên cao mà phải đặt ngay trên mặt gạch nền nhà, đặt theo hướng tốt của chủ nhà, có thể đặt theo cách hứng lấy dòng khí bên ngoài khi vào nhà.
– Ông Táo: đặt vị trí của ông về hai hướng căn bản nhất đó là hướng tốt của chủ nhà hoặc hướng nam ( hỏa), tránh để bàn thờ đối diện nhà vệ sinh.
6. Những lưu ý về phong thủy đối với Cầu thang:
– Là con đường sinh đạo dẫn khí đến 5 khu vực khác nhau của ngôi nhà: cửa linh (bàn thờ), cửa dưỡng (nơi ngủ), cửa nạp (bếp, nhà ăn), cửa tiếp (phòng khách), cửa xả (môi trường xung quanh và nhà tắm).
– Bậc cầu thang đều ứng với sinh lão bệnh tử nên chọn số bậc cho phù hợp với gia chủ.
– Ngoài ra, phải thiết kế thuận lợi cho vấn đề đi lại cũng như thẩm mỹ, hình dáng mềm mại thì luồng khí lưu thống sẽ tốt.
7. Những lưu ý về phong thủy đối với Phòng vệ sinh:
– Tránh đặt nhà vệ sinh lên trên bếp hoặc giường ngủ, bởi phòng vệ sinh lúc nào cũng nằm vào vị trí xấu.
– Phòng vệ sinh các tầng nên thẳng hàng nhau thì hợp lý về phương vị hơn.
– Không mở cửa phòng vệ sinh thẳng với cửa chính, lối vào chính của nhà, ngoài ý nghĩa về giữ gìn thẩm mỹ còn liên quan đến trục dẫn truyền khí trong nội thất.
– Không đặt phòng vệ sinh ngay phần giữa nhà vì phần này thuộc Thổ, khắc Thủy, là nơi trang nghiêm đòi hỏi sự cao ráo, sáng sủa, thoáng đãng.
Kết luận
Mặc dù phong thủy quan trọng là vậy nhưng bạn cũng không cần quá gượng ép, bắt buộc mình phải thực hiện nhất nhất theo, như thế sẽ tự làm khó mình. Hãy kiểm tra xem phần đất nhà mình xây dựng như thế nào là hợp lý nhất. Bên cạnh vấn đề phong thủy thì cũng không thể xem nhẹ công năng, thói quen sử dụng của gia đình. Một ngôi nhà thoải mái nhất là phải đáp ứng và hài hòa cả hai yếu tố trên, như vậy chủ nhân mới cảm thấy tinh thần dễ chịu, không gian linh hoạt. Hãy là người thông minh khi áp dụng phong thủy đúng lúc, đúng chỗ, giúp ngôi nhà phát huy được tối đa lợi thế. Nếu bạn còn băn khoăn lo lắng thì Hãy liên hệ Kiến trúc CND để được tư vấn miễn phí.
Không gian mở là gì? Xu hướng thiết kế không gian mở cho nhà ở
Trong các xu hướng thiết kế nội thất nhà ở hiện nay thì thiết kế nhà theo phong cách kết cấu không gian mở đang được nhiều người yêu thích và lựa chọn. Vậy, không gian mở là gì? Có nên thiết kế không gian mở cho căn nhà của gia đình hay không? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Không gian mở là gì?
1.Khái niệm”không gian mở” là gì?
Không gian mở là thuật ngữ trong ngành kiến trúc, là một trong những phong cách đặc trưng được ứng dụng trong thiết kế nội thất. Không gian mở là không gian có sự kết nối giữa các khu vực trong một công trình với nhau, các không gian được thiết kế và thi công nội thất hướng ra bên ngoài, tối ưu sự hòa hợp với thiên nhiên.
2. Không gian mở trong kiến trúc
Trong kiến trúc, không gian mở tạo một dòng chảy liền mạch giữa các khu vực, khu vực chức năng này có kết nối với khu vực chức năng khác trong một công trình. Không có tường ngăn cách mà thay vào đó là những không gian nối liền, liên thông làm cho căn nhà rộng rãi và khoáng đạt hơn.
Xu hướng thiết kế này phù hợp với những căn nhà có diện tích nhỏ bởi nó cải thiện đáng kể nhược điểm chật hẹp của không gian.
3. Đặc trưng của không gian mở
– Sự kết nối trực quan giữa các khu vực, các khu vực trong một công trình từ ngoại thất, nội thất sân vườn… có sự hòa quyện hợp lý.
– Không còn sự ngăn cách của những bức tường quen thuộc, không gian sống như một thể thống nhất, mang đến cảm giác thoải mái và tiện nghi cho các thành viên trong gia đình.
– Sự hài hòa của các yếu tố ánh sáng, kết cấu không gian, màu sắc và nội thất
Ưu điểm của thiết kế không gian mở
1. Giá trị công năng
Không gian mở giúp tận dụng tối đa công năng sử dụng của một căn nhà ở, đặc biệt là khả năng tận dụng ánh sáng tự nhiên. Nguồn ánh sáng không bị hạn chế giữa các không gian mà truyền từ khu vực này sang khu vực khác. Những vách ngăn bằng kính hoặc vách ngăn dạng ước lệ được ưu tiên sử dụng trong những thiết kế này.
2. Giá trị thẩm mỹ
Đối với thiết kế không gian mở trong kiến trúc thì những bức tường bí bách được xóa bỏ, những chia tiết rườm rà được giản lược, thay vào đó là không gian rộng mở, thoáng đãng. Điều này giúp căn nhà trở nên trẻ trung, hiện đại và mới mẻ hơn rất nhiều.
Những căn nhà được thiết kế theo kết cấu không gian mở luôn là sự sáng tạo vô tận, cách bố trí nội thất linh hoạt hơn và các chi tiết trang trí cũng trở nên thời thượng hơn rất nhiều, thể hiện gu thẩm mỹ tuyệt vời của gia chủ.
3.Tối ưu diện tích không gian
Đặc trưng của không gian mở vốn là sự liên thông giữa các khu vực trong một công trình, không có sự ngăn cách của những bức tường. Điều này giúp tiết kiệm tối đa diện tích của không gian, tạo cảm giác thoáng đãng, thoải mái và rộng rãi cho căn nhà trong quá trình sinh sống.
4. Tạo không gian sống xanh
Khi nhắc đến thiết kế không gian sống mở thì không thể bỏ qua không gian sống xanh. Việc các khu vực được kết nối với với nhau, tạo sự giao hòa giữ không gian bên ngoài và không gian bên trong sẽ mang thiên nhiên bên ngoài vào bên trong căn nhà.
Không gian mở lấy ánh sáng và không khí tự nhiên vào không gian sống khiến cuộc sống gia đình lúc nào cũng như được thư giãn.
Lựa chọn mái ngói hay mái tôn?
Để có một mái nhà đẹp và an toàn, nên sử dụng vật liệu gì đây? bài viết sau đây sẽ giúp cho quý bạn đọc câu trả lời đầy đủ và rõ ràng nhất về giải pháp tối ưu nhằm tạo nên một không gian sống hoàn hảo.
Đóng vai trò quan trọng trong quá trình thiết kế nên không gian sống, bên cạnh yếu tố công năng và yếu tố nghệ thuật thì yếu tố kĩ thuật-vật chất quyết định đến bảy mươi phần trăm giá trị của công trình , bởi kiến trúc là sự tổng hòa giữa mảng nghệ thuật và khoa học kỹ thuật, song một ngôi nhà bắt mắt nhưng thích nghi kém với điều kiện khí hậu ắt hẳn sẽ gây nhiều phiền toái hơn một ngôi nhà có vẻ ngoài không mấy đặc sắc nhưng bền vững theo thời gian.
Một chi tiết quan trọng hàng đầu của ngôi nhà chính là mái nhà – bộ phân tiếp xúc trực tiếp nhiều nhất với môi trường bên ngoài và sự biến đổi của khí hậu. Trong năm năm gần đây tại Việt Nam, sự trở lại của xu hướng lợp mái ngói đang dần thay thế mái tôn và được rất nhiều người lựa chọn. Đặc biệt là ở những quốc gia Châu Âu, chúng ta hầu như không còn nhìn thấy sự xuất hiện của mái tôn trong các công trình nữa.
1. Ưu, nhược điểm của mái tôn
Ưu điểm của mái tôn:
- Mái tôn thường nhẹ. Điều này đảm bảo cho ngôi nhà không đứng dưới áp lực chịu trọng tải từ phần mái dồn xuống, cũng là để giữ an toàn cho các công trình xung quanh không bị ảnh hưởng bởi sức ép từ toà nhà của bạn xuống mặt đất. Và vì độ nhẹ của mái tôn mà việc thi công công trình cũng trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn.
- Tính linh hoạt: Trong trường hợp bất đắc dĩ phải thay đổi thiết kế cũng như cấu trúc của tòa nhà thì ta hoàn toàn có thể thở phào vì đối với mái tôn, điều này là hoàn toàn có thể thực hiện được.
- Giá thành rẻ: do sự đơn giản trong sản xuất và thi công, điều này cũng trở một ưu điểm lớn của mái tôn lợp.
Nhược điểm của mái tôn:
- Về lâu dài, mái tôn sau khoảng từ 3 đến 4 năm sẽ rất dễ bị bay màu dưới ảnh hưởng của thời tiết nên về mặt thẩm mỹ chưa được đánh giá cao.
- Vì hệ thống khung và ốc vít của mái tôn được làm hoàn toàn bằng kim loại, nên dù bề mặt có sử dụng một lớp sơn chống rỉ nhưng cũng vẫn phải đảm bảo mái tôn luôn sạch sẽ để giảm thiểu sự ăn mòn theo thời gian.
- Tính dẫn nhiệt của mái tôn khiến ngôi nhà vào mùa hè rất dễ trong tình trạng lúc nào cũng nóng bức.
- Khả năng chống ồn kém
- Đặc biệt dễ bị hư hại, tốc, biến dạng đối với những vùng thường xuyên xảy ra dông lốc, bão,…và không thể tái sử dụng.
2. Ưu, nhược điểm của mái ngói
Ưu điểm của mái ngói:
- Cân bằng nhiệt độ ngoài trời & trong nhà: Ngói lợp được tạo nên nhờ hỗn hợp cát, xi măng, nước và màu đỏ mà chúng ta thường thấy chính là nhờ sắc tố màu của Fe(III) oxit. Sắc tố tích hợp trên bề mặt ngói với công nghệ mới Protegon cùng với hình dạng sóng uốn đôi có khả năng phản xạ tia hồng ngoại, kết hợp với độ dày của ngói chính là lí do mà mái ngói có độ “trơ” nhất định đối với ảnh hưởng của thời tiết bên ngoài, ngăn chặn sự bức nóng trong ngôi nhà. Bên dưới bề mặt của ngói công nghệ mới có khả năng chống lại sự chênh lệch nhiệt độ lên đến 10°C, tạo nên sự cân bằng và khiến cho không khí bên trong được cải thiện đáng kể.
- Để sản xuất ngói, người ta nung hỗn hợp trên ở nhiệt độ khoảng 60°C, sau 28 ngày phơi, những viên ngói sẽ đạt được độ cứng bền của chúng. Qúa trình sản xuất ngói không hề tiêu tốn nhiều năng lượng nên rất thân thiện với môi trường.
- Thay vì một tấm lớn như mái tôn, mỗi một viên ngói thường có kích thước khoảng 424mm x 335mm. Điều này khiến cho việc sắp xếp và lắp đặt mái trở nên linh động hơn rất nhiều.
- Với khả năng chống vỡ cao cùng những hệ vi kèo hoặc xà gỗ có cấu tạo chắc chắn, ổn định và an toàn hơn, nên mái ngói có thể chống chịu với thời tiết khắc nghiệt tại những vùng hay xảy ra thiên tai tốt hơn rất nhiều so với mái tôn.
- Mái ngói cũng là một đặc trưng trong kiến trúc phương Đông mang đậm tính nghệ thuật. Tùy vào từng phong cách thiết kế mà công trình với mái ngói vừa đề cao được nét văn hóa truyền thống, thanh lịch, nhã nhặn, lại vừa có thể mang trong mình dáng dấp trẻ trung, hiện đại – một sự giao thoa đầy tinh tế.
Nhược điểm của mái ngói
Điểm trừ duy nhất nếu như bạn lựa chọn mái ngói có lẽ là giá thành không mấy “dễ chịu” nếu so sánh với mái tôn. Tuy nhiên, đứng cùng vô số những lợi ích đem lại và cả tính lâu bền thì việc đầu tư vào mái ngói xứng đáng là khoản đầu tư vàng.
Kết luận:
Một ngôi nhà hoàn hảo không những phải đáp ứng được nhu cầu về mặt thẩm mỹ cho gia chủ, mà trên hết phải thích ứng được với điều kiện thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt. Việc các nước phát triển như Pháp hoặc Đức đầu tư công nghệ vào việc sản xuất ngói thay vì tôn lợp cũng là để cùng lúc giải quyết được nhu cầu về tính nghệ thuật cũng như kỹ thuật này.